NHỮNG LƯU Ý KHI CHỌN BƠM CHO HỒ LỌC TRÀN DƯỚI
Ngày đăng: 11/07/2023 07:18 PM

    Hệ thống lọc tràn dưới là một trong những hệ thống lọc phổ biến nhất trong thú chơi cá cảnh, bên cạnh lọc thùng và lọc tràn trên. Ở Việt Nam, hệ thống này được những người chơi kinh nghiệm học hỏi và cải tiến từ hệ thống lọc Wet/dry của các người chơi nước ngoài từ nhiều năm về trước. Hệ thống lọc này sau nhiều năm được nâng cấp và cải tiến, hiện tại mức độ thẩm mỹ đã rất cao, và được anh em người chơi đặt là hệ thống bể CNM (công nghệ mới). Trong bài viết này, The Rium sẽ chia sẻ tới người chơi những lưu ý khi lựa chọn máy bơm cho hệ thống lọc dưới bể CNM.

     

    Top 10 Máy Bơm Nước Bể Cá TỐT NHẤT Hiện nay

     

    Tổng quan về hệ thống lọc tràn dưới

     

    Hệ thống lọc tràn dưới là hệ thống lọc có kích thước lớn nhất trong các loại bể lọc cho bể cá gia đình. Nó bao gồm:

    • 1 bể lọc bằng kính (hoặc gần đây nhiều anh em thi công bằng nhựa PP) có kích thước lớn, với chiều dài và chiều rộng chỉ ngắn hơn bể chính 20-30cm, chiều cao từ 40-45cm
    • Hệ thống đường ống kỹ thuật: gồm đường ống hút mặt hút đáy và đường ống thổi luồng từ bơm lên. Trong các mẫu bể vài năm trở lại đây, phần đường ống này sẽ được gia công bằng kính liền vào hồi trái, hồi phải, mặt sau hoặc mặt đáy của bể chính.
    • Vật liệu lọc sắp xếp cho các ngăn lọc. Tuỳ mức đầu tư và loại cá cần nuôi mà có sự thay đổi trong cách lựa chọn vật liệu lọc.
    • Máy bơm tuần hoàn, giúp hệ thống lọc vận hành. Bơm nước từ bể lọc lên bể chính thông qua đường ống thổi luồng. Nước sẽ tuần hoàn trở lại bể lọc thông qua đường ống hút mặt hút đáy. Vòng tuần hoàn này diễn ra liên tục, giúp nước được luân chuyển đều qua vật liệu lọc, các vi sinh có ích trên vật liệu lọc sẽ chuyển hoá các độc tố trong nước thành các chất ít độc hơn. Máy bơm giống như trái tim của hệ thống lọc này vậy.

     

    Những lưu ý khi lựa chọn máy bơm cho hệ thống lọc tràn dưới

     

    • Trước tiên, do hệ thống lọc tràn dưới bể cá CNM được gia công nhiều phần bằng kính, khá hẹp, gấp khúc, và chạy loằng ngoằng, các bạn không nên sử dụng các dòng bơm siêu tiết kiệm điện và ống lớn cho hệ thống lọc này. Bạn vẫn có thể chạy bơm tiết kiệm điện, nhưng chỉ dùng các mã tiết kiệm vừa phải để lực bơm còn đảm bảo.
    • Do hệ thống lọc dưới có đường ống ngoắt ngéo và hẹp, lưu lượng bơm có mức độ hao hụt khá lớn sau khi đi qua đường ống. Nên chúng tôi khuyên bạn nên lựa chọn bơm có điều chỉnh lưu lượng và lựa chọn mức lưu lượng to hơn cần thiết một chút. To có thể giảm nhỏ, nhưng nhỏ thì không thể tăng lên to. Hơn nữa, trong quá trình nuôi, không phải bạn nuôi 1 loại cá hoặc 1 kích thước cá trong suốt quá trình. Việc thay đổi loại cá hoặc thay đổi kích thước cá cũng yêu cầu luồng nước khác nhau, nếu không có bơm điều chỉnh lưu lượng, bạn sẽ vất vả khi phải xử lý tình huống này.
    • Tiếp theo, hầu hết người chơi đều biết, lưu lượng tuần hoàn lý tưởng thường là khoảng từ 4-6 lần thể tích bể trong 1 giờ. Nhưng các bạn nên lưu ý, lưu lượng đó là lưu lượng thực tế cuối cùng chứ không phải là lưu lượng ghi trên tem nhãn bơm của nhà sản xuất. Lưu lượng trên bơm là Qmax trong điều kiện lý tưởng, khi bơm lên cao, qua nhiều đường ống gấp khúc và thu nhỏ, lưu lượng này bị hụt đi rất nhiều. Để biết chính xác, bạn có thể tham khảo thêm ý kiến của người thi công bể.
    • Trong trường hợp sử dụng hệ thống lọc dưới để nuôi các loại cá nước mặn, thuỷ hải sản hoặc thường xuyên phải cho muối để nuôi cá Koi, bạn nên sử dụng dòng bơm điện 24V để đảm bảo an toàn. Do độ ẩm cao trong khoang để bể lọc, cộng với muối từ nước có thể gây ra hiện tượng nhiễm điện. Các dòng bơm 24V thường đi kèm chuyển nguồn từ 220V về 24V, rất an toàn để sử dụng.
    • Lựa chọn các dòng bơm có đầu ra tiêu chuẩn từ 42mm trở lại là hợp lý. Ở hầu hết các mã máy bơm, nhà sản xuất đều cho các đầu thu về rất nhỏ như 16mm – 21mm, mặc dù ống bơm tiêu chuẩn khá to như 48m-60mm. Tuy nhiên, bạn không nên mua các mã máy bơm có ống đầu ra tiêu chuẩn từ 48mm trở lên cho các hệ thống lọc tràn dưới bể công nghệ mới.
    • Lưu ý cuối cùng của chúng tôi là về vấn đề sử dụng, khi thiết bị gặp trục trặc, nên ngắt điện thiết bị để kiểm tra, những việc đơn giản nhất nên làm là kiểm tra: có điện cấp đầu vào không; dây dẫn có bị đứt không; giắc cắm điều khiển và bơm có bị lỏng không; cánh quạt có bị tắc không; nước có bị thiếu không. Nếu không tự mình phát hiện bất thường, hãy tìm sự hỗ trợ của cửa hàng hoặc đơn vị thi công bể. Có thể bạn không biết, có tới 90% gửi về bảo hành chỉ là bơm kẹt cánh quạt hoặc cắm sai giắc kết nối.
    • Vệ sinh bảo trì định kỳ sẽ giúp thiết bị bền bỉ và hiệu quả hơn. Với những bơm hoạt động trực tiếp trong môi trường nước bẩn chưa qua vật liệu lọc, bạn nên vệ sinh định kỳ hàng tháng. Với những bơm hoạt động trong môi trường nước sạch, nước đã đi qua vật liệu lọc mới vào ngăn bơm, bạn nên vệ sinh định kỳ 6 tháng 1 lần.

     

    Tổng kết

     

    Máy bơm là trái tim của hệ thống lọc, nó đưa nước luân chuyển tuần hoàn đi khắp bể, giống như tim bơm máu đi khắp cơ thể vậy. Để một bể cá vận hành tốt, cá khoẻ, cây đẹp, ít bệnh tật và không tốn thời gian chăm sóc sửa chữa, máy bơm phải ổn định và hiệu quả. Chúc quý người chơi luôn có những lựa chọn đúng đắn và có những trải nghiệm tốt đẹp với thú chơi tao nhã này.

     

    Cre: ThaiHoaAquarium

     

    Một số sản phẩm bơm bạn có thể tham khảo:     

    Instagram Youtube Shopee Shopee

    Giỏ hàng của bạn (0 sản phẩm)