Lọc phụ trong hệ thống lọc của bể thủy sinh là một vấn đề không mới, tuy nhiên không phải ai cũng đầu tư lọc phụ cho bể thủy sinh của mình. Tác dụng của lọc phụ thì cũng vô vàn, và cụm từ “lọc phụ” cũng được dùng chung để gọi tên nhiều loại lọc với các mục đích khác nhau. Lọc phụ thường có cấu tạo đơn giản, không có máy bơm nước bên trong, được đấu nối tiếp ở trước hoặc sau hệ thống lọc chính. Lọc phụ có thể được sử dụng với mục đích tăng diện tích cư trú cho hệ vi sinh; mục đích tạo điều kiện cho vi sinh yếm khí phát triển để khử Nitrat trong bể; hoặc mục đích chặn rác. The Rium sẽ nói thêm về vấn đề này qua bài viết chia sẽ sau.
Tác dụng của lọc phụ
Đối với nhiều người chơi thủy sinh, việc sử dụng lọc phụ có chứa mút hoặc bùi nhùi để chặn rác phía trước lọc chính với mục đích rõ ràng là tránh cho lọc chính khỏi tắc. Ngoài ra còn giảm tải việc phải vệ sinh lọc chính nhiều lần khi hồ có nhiều rác thải, đặc biệt là hồ cá cảnh. Hơn nữa, việc vệ sinh lọc phụ đơn giản hơn nhiều so với việc vệ sinh cả một hệ thống lọc chính mà đôi khi điều đó làm ảnh hưởng xấu tới chất lượng nước và hệ vi sinh của hồ một cách mạnh mẽ. Trong hồ cá cảnh, nếu người chơi sử dụng một lọc thùng dạng kín đặt bên ngoài (external filter) thì nhiệm vụ lọc phân cá và thức ăn thừa sẽ làm lọc rất nhanh tắc. Sự xuất hiện của lọc phụ đặt trước lọc chính là hợp lý. Trong bể thủy sinh cũng vậy, lọc phụ kiểu này sẽ có chức năng chặn các loại rác thải có kích thước lớn (mảnh lá cây, mảnh lũa vụn, xác động vật…), ngoài việc giúp vệ sinh dễ dàng cho người chơi thì nó còn có tác dụng giảm tải cho hệ vi sinh trong lọc chính.
Bể thủy sinh hầu hết đều yêu cầu chất lượng nước khắt khe hơn bể cá cảnh, nhất là khi bệnh dịch xảy ra thì không thể sử dụng muối hạt để khử trùng, tiêu diệt vi khuẩn có hại. Hệ vi sinh trong bể thủy sinh (cụ thể là trong lọc chính) có tác dụng phân hủy các chất độc hại (xem thêm về Chu trình nitơ) để giữ cho môi trường nước được trong sạch.
Trường hợp không có lọc phụ, rác thải kích thước lớn sẽ được hút cả vào trong lọc, hệ vi sinh sẽ phải kiêm thêm nhiệm vụ phân hủy các mảnh rác đó, và không thể tập trung toàn lực vào nhiệm vụ phân hủy chất độc trong nước. Các bạn không nên nghĩ rằng các mảnh rác lớn sẽ bị mắc lại ở lớp bông lọc hoặc bùi nhùi nào đó mãi mãi. Qua thời gian bị phân hủy, kích thước các mảnh rác sẽ bé lại và tiếp lục luồn sâu hơn vào các lớp vật liệu lọc bên trong. Nếu số lượng các mảnh rác tăng lên mà không làm tắc lọc thì chúng cũng sẽ làm phân tán rất nhiều thời gian làm việc của vi sinh (mà đáng lẽ chúng chỉ phải xử lý nước mà thôi).
Nếu có thêm một lọc phụ chặn rác phía trước lọc chính. Hệ vi sinh sẽ được giảm tải rất nhiều, hoàn toàn tập chung vào khâu xử lý nước thải, từ đó mà chất lượng nước trong bể được giữ ở mức ổn định. Tất nhiên, các bạn vẫn phải vệ sinh lọc phụ định kỳ khi thấy có nhiều rác thải bị mắc lại.
Chúc bạn có những chiếc hồ thủy sinh thật đẹp!
Cre: BouAqua