Đối với anh em chơi cá KOI trong nhà lẫn ngoài trời thì cũng không quá xa lạ với việc đánh tím, nhất là trong lúc thời điểm giao mùa khó chịu. The Rium đọc được một bài viết chia sẽ kinh nghiệm rất hay trên FB của anh Hoa Nguyen về việc chủ đề này, mong bài viết sau sẽ giúp bạn hiểu hơn về mức độ hiệu quả cũng như nguy hiểm để tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra.
Sử dụng thuốc tím đúng cách sẽ rất hiệu quả trong việc sát khuẩn hồ cá Koi, trị các loại bệnh nhiễm khuẩn như viêm loét và khuẩn ăn vây trên cá koi, nhiễm nấm và ngoại ký sinh trùng. Đặc biệt chi phí thuốc tím rất rẻ, dễ dàng mua được ở các cửa hàng hóa chất tại tất cả các địa phương. Một số anh em sợ thuốc tím giả, kém chất lượng, mình xin nói luôn là nó quá rẻ để làm giả. Không như Malachite Green, nếu không mua tại các nguồn uy tín rất dễ bị mua trúng hàng kém chất lượng. Có thể kiểm chứng thuốc tím bằng cách cho phản ứng với Oxy già.
Cảnh báo: Không được hoặc không nên đánh tím trong các trường hợp sau:
- Cá bị nhiễm khuẩn và kèm theo biểu hiện lờ đờ, bơi yếu. Đánh tím khả năng gây chết cá cao.
- Hồ bẩn, nhiều chất hữu cơ, nước nhìn nhầy và đặc. Đánh tím sẽ không hiệu quả.
- Đừng bao giờ chuyển cá đi sang hồ khác ngay sau khi đánh tím. Cá Koi rất dễ shock và chết dù trước đó còn đang khỏe mạnh.
- Không đánh tím quá lâu (trên 40 phút) nếu cá vừa mới được chuyển sang nước mới. Việc đánh tím kéo dài trên 4 giờ chỉ nên thực hiện sau khi cá đã làm quen với nước mới tối thiểu 24h.
- Chỉ đánh tím khi hồ có máy sủi oxi mạnh. Vì cá yếu cần rất nhiều oxy, nên phải sủi oxy mạnh để hỗ trợ quá trình hô hấp của cá.
- Trong quá trình đánh tím, theo dõi sát sao cá ít nhất trong 1h đầu tiên. Nếu cá bơi mạnh, nhảy, tập trung lại vòi oxy, luồng nước, hoặc lặn và bơi dưới đáy sâu là biểu hiện tốt. Nếu cá lờ đờ nổi, thả trôi là cá bị shock vì quá liều. Cho oxi già vào ngay lập tức với liều lượng 60ml/m3
- Có nên đánh tím trong khi hồ đang có muối? Một số ý kiến cho rằng hồ có muối sẽ tăng độ mạnh của tím, làm cho cá dễ shock hơn. Kinh nghiệm thực tế của mình, hồ có muối 3kg/m3, đánh tím khi cá còn khỏe thì sẽ không có vấn đề gì.
Đánh tím hồ Koi đem lại hiệu quả tốt trong các trường hợp sau:
- Cá đỏ mình, nhiễm khuẩn, vảy hơi bị sưng lên hoặc vây bơi bị nhiễm khuẩn chuyển sang trắng đục hoặc bị ăn cụt. Nhưng cá vẫn sống và bơi khỏe. Sau 24h đánh tím và cho nhịn ăn cá sẽ đỡ hơn rõ rệt.
- Hồ phải sạch chất hữu cơ, nước trong và không bị nhầy, nhớt. Rất khó đạt được nếu hồ đã vận hành một thời gian, tham khảo việc cải thiện chất lượng nước bên dưới.
Nếu hồ koi đã hoạt động một thời gian, thì cần phải làm gì trước khi đánh tím?
- Thay 50% nước hồ hoặc hơn và vệ sinh bể lọc.
- Nếu là nước máy, chứa clo, cấp nước mới thông qua hệ thống lọc để bơm lên thác và trả về hồ. Cái này anh em theo sát tình hình nước nôi nhà mình và thường thay nước sẽ đánh giá được thay như thế nào là cá ở nhà chịu đựng được. Với mình, nước máy trực tiếp, thay 50% như cách này không vấn đề.
- Không nên cho thuốc khử Clo vì sẽ làm ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc tím.
- Cho nước chạy 1-2h ổn định, rồi tiến hành đánh tím.
Liều lượng thuốc tím và thời gian đánh tím
- Chú ý: Liều lượng và thời gian bên dưới được miêu tả trong trường hợp cách ly lọc với hồ. Không chỉ vì tím sẽ giết chết vi sinh trong lọc mà còn vì chất hữu cơ trong lọc sẽ phả ứng với thuốc tím rất nhanh, dẫn đến việc thuốc tím không còn hiệu quả sát khuẩn cho cá. Nếu muốn sát khuẩn hệ lọc thì nên tiến hành riêng với các chất khác như Cloramin T hoặc Cloramin B hoặc thuốc tím với liều lượng rất cao. Sát khuẩn lọc sẽ làm chết hệ vi sinh? Đúng là sẽ chết, nhưng vi sinh có thể châm lại và phục hồi nhanh chóng, quan trọng là cá khỏe.
- Lý thuyết: 2g/m3 nếu chất lượng nước cực kỳ tốt, thuốc tím giữ được màu hồng. Rất khó thực hiện được trừ khi anh em chuyển cá sang một hồ mới sạch sẽ và nước mới hoàn toàn. Nếu chuyển sang hồ mới, anh em nên để cá thật khỏe rồi hãy đánh tím.
- Hồ thay nước 50% như nói ở trên: 3g/m3 và nếu nước giữ được màu hồng trong suốt 4h thì mình không cần châm thêm tím. Tuy nhiên trong thực tế, hầu hết các trường hợp mình đều bổ sung liều 1,5g/m3 sau 2h đánh vì thường sau 1h nước đã chuyển sang màu nâu. Một số anh em kinh nghiệm thì có thể bổ sung tím 1,5g/m3 sau 1h và lặp lại thêm một lần sau 2h nếu nước lại tiếp tục chuyển sang nâu. Tuy nhiên, không nên bổ sung lần thứ 3.
- Thời gian đánh: tối thiểu 4h. Nếu cá chịu được 4h thì có 5-6h cũng sẽ không là vấn đề. Sau tối thiểu 4h có thể cho nước chạy qua hệ thống lọc.
- Sau khi đánh tím xong, mở lọc chạy lại bình thường và sau 24h, tiến hành thay 20-30% nước. hoặc nếu muốn nước trong nhanh chóng, sau khi đánh tím xong, cho oxy già vào với liều lượng 60ml/m3 ( trước khi mở bơm) để 20-30 phút nước sẽ trong lại, sau đó mới bật lại máy bơm và vận hành hồ bình thường. Bổ sung muối vào hồ để đạt tỷ lệ 3-5kg/m3.
- Mẹo để biết nước có giữ được màu hồng hay không? Sau khi thuốc tím đã hòa tan hoàn toàn vào hồ, sử dụng bình thủy tinh và chai nước suối, lấy nước từ hồ, để trong chai và quan sát sự đổi màu của mẫu nước để xem màu có giữ được hồng trong suốt quá trình hay không.
Cre: HoaNguyen