NHỮNG LƯU Ý KHI LỰA CHỌN VÀ SỬ DỤNG LỌC THÙNG
Ngày đăng: 01/07/2023 02:34 PM

    Hệ thống lọc như là trái tim của bể cá. Lọc thùng là 1 trong 3 phương án lựa chọn hệ thống lọc phổ biến nhất hiện nay, bên cạnh lọc tràn trên và lọc dưới. Trong phạm vi bài viết này, The Rium sẽ chia sẻ tới quý người chơi những lưu ý cũng như kinh nghiệm lựa chọn và sử dụng lọc thùng cho bể cá.

     

    Tổng quan về hệ thống lọc thùng bể cá

     

    Hệ thống lọc thùng (canister filter) hay còn gọi là lọc ngoài (external filter) là 1 trong những hệ thống lọc phổ biến nhất hiện nay. Đây là hệ thống lọc sinh học kết hợp với nguyên lý thẩm thấu ngược để xử lý nước cho bể cá cảnh. Hệ thống này bao gồm: 1 thùng chứa gồm nhiều khay để chứa vật liệu lọc (có thể tích hợp cả đèn UV); các loại vật liệu lọc phù hợp xếp vào trong khay; Động cơ đẩy nước được đặt phía bên trên nắp của thùng, cũng có nhiều loại đặt bơm ở phía bên ngoài thùng; 2 bộ dây dẫn và đầu In-Out để kết nối thùng lọc với bể cá.
    Khi hệ thống lọc thùng hoạt động, nước từ bể cá đi vào đầu In thông qua chõ hút đáy, có thể có cả hút mặt. Nước luân chuyển từ đường ống In đi xuống đáy thùng lọc và thẩm thấu xuyên qua các khay chứa vật liệu lọc đi vào buồng động cơ. Từ đây, nước được bơm trả lại hồ thông qua đường ống Out, tạo thành một luồng tuần hoàn.
    Các loại cặn thô, kích cỡ lớn như phân cá, lá cây, cát bụi sẽ bị lắng đọng xuống phía đáy thùng bởi cơ chế vật lý thẩm thấu ngược, một số sẽ bị bông lọc giữ lại. Các loại chất độc trong nước như NH3, NO3, NO2 sẽ được các loại vi khuẩn có lợi sống trên bề mặt vật liệu lọc được chứa trong các khay bên trên xử lý. Quá trình này diễn ra liên tục, tạo ra chất lượng nước đạt ngưỡng cho phép để nuôi cá và các loại thuỷ sinh vật.

     

     

    Ưu điểm của hệ thống lọc thùng bể cá

     

    • Như đã nói ở trên, hệ thống lọc thùng rất phổ biến trong thú chơi cá cảnh. Bạn có thể mua dễ dàng ở bất cứ cửa hàng cá cảnh và phụ kiện bể cá nào trên toàn quốc. Hơn nữa, có rất nhiều hãng và mỗi hãng đều có các mã lọc thùng từ to tới nhỏ để người chơi lựa chọn.
    • Lọc thùng là hệ thống lọc rất hiệu quả, nó chỉ kém hơn hệ thống lọc dưới, nhưng vượt trội so với lọc sủi, lọc tràn 1 tầng, lọc treo…Khi hoạt động, lọc thùng chạy rất êm, êm nhất trong các loại hệ thống lọc, bạn có thể sử dụng cho các bể cá để trong phòng ngủ mà không gây ra khó chịu nào cả.
    • Việc lắp đặt và bảo dưỡng lọc thùng cũng vô cùng dễ dàng, hầu hết người chơi chỉ cần xem hướng dẫn là lắp đặt được. Việc vệ sinh cũng rất gọn gàng và sạch sẽ, do có thể cô lập thùng lọc để di chuyển mà không gây vương vãi nước ra sàn nhà.
    • Tính thẩm mỹ của hệ thống lọc thùng cũng rất cao, với 2 đường dây nhỏ xinh kết nối, bạn có thể để vào 2 góc bể, vừa kín đáo, vừa tối ưu việc tạo luồng nước luân chuyển.
    • Chi phí cho một hệ thống lọc thùng cũng được đánh giá là khá thấp so với mặt bằng chung hoặc so với sự cầu kỳ và đắt tiền của hệ thống lọc dưới.

     

    Lựa chọn lọc thùng bể cá phù hợp

     

    • Đầu tiên, bạn cần lựa chọn một lọc thùng có thể tích và lưu lượng phù hợp với thể tích bể cá của bạn. Thông thường, các hãng đều đưa ra gợi ý mỗi mã lọc thùng nên sử dụng cho bể bao nhiêu tới bao nhiêu lít nước. Lưu lượng nước luân chuyển của lọc thùng nên gấp từ 4-6 lần thể tích bể cá trong 1 giờ. Tuỳ theo loại cá và số lượng cá nuôi mà chúng ta có thể tăng lên hoặc giảm số thùng lọc và lưu lượng lọc để đảm bảo hệ thống hoạt động hiệu quả. Với các bể nuôi nhiều cá hoặc bể thuỷ sinh với hệ sinh thái phức tạp, bạn có thể tăng cường 2-3 bộ lọc so với mức đưa ra của nhà sản xuất.
    • Trên thị trường cũng có rất nhiều loại lọc thùng với chi phí rất khác nhau. Có loại chỉ vài trăm nghìn tới hơn 1 triệu. Có loại thì 4-5tr, 5-7tr cũng có. Do vậy, tuỳ theo mức đầu tư mà lựa chọn lọc thùng phù hợp, vì bạn còn phải san sẻ chi phí cho vật liệu lọc.
    • Việc tiếp theo là lựa chọn vật liệu lọc, đây là bước mà nhiều người chơi đánh giá thấp. Có người chơi đơn giản thì nghĩ, loại vật liệu lọc nào chả như nhau. Có người chơi lại nghĩ, phải cho tất cả các loại, mỗi loại một tý. Cả 2 cách này đều chưa chính xác. Tuỳ theo nhu cầu chơi và điều kiện chơi để lựa chọn vật liệu lọc phù hợp. Thùng lọc đắt rẻ hơn nhau chỉ là sự bền bỉ, lưu lượng ổn định, êm ái, còn chất lượng nước phần lớn phải dựa vào vật liệu lọc. Với mỗi loại hình trang trí bể và nuôi cá khác nhau sẽ sử dụng vật liệu lọc khác nhau. Bể nuôi tép sẽ dùng vật liệu lọc khác bể nuôi cá ali, bể nuôi cá rồng sẽ sử dụng vật liệu lọc khác bể trồng thuỷ sinh…Với cùng một “dạng” vật liệu lọc, các vật liệu lọc cao cấp, sẽ cho hiệu quả tốt hơn rất nhiều so với các loại vật liệu lọc rẻ tiền.

     

     

    Lưu ý khi sử dụng

     

    • Khi lắp đặt lọc thùng, bạn cần lưu ý đấu chính xác đường ống In – Out của lọc thùng. Trên thùng thường có ghi sẵn ký hiệu In cho đầu nước vào thùng và Out cho đầu nước từ thùng vào bể. Đầu In gồm 1 dây dẫn và 1 đầu hút cắm sâu xuống gần sát đáy bể, đầu này có thể thay đổi độ cao sao cho phù hợp với mỗi bể. Đầu Out cũng gồm một dây dẫn và 1-2 phương án nước trả vào bể, thường là kiểu luồng mạnh hoặc luồng dàn đều. Đầu In-Out cũng đặt vị trí phù hợp để tạo thành một luồng nước tuần hoàn đều khắp bể, không góc chết và tối đa hoá chất thải được đẩy qua điểm hút của đầu In.
    • Một việc cũng cần lưu ý là việc sắp xếp vật liệu lọc. Với các hệ thống lọc thông thường, nước thẩm thấu ngược từ dưới lên, lớp bông lọc nên được xếp ngăn dưới cùng. Trong giai đoạn đầu mới vận hành, bạn có thể để lớp bông dày 1 chút để bể nhanh trong. Khi hệ sinh thái đã hoạt động ổn định, chỉ nên giữ ở mức hợp lý không tắc lọc. Các ngăn phía trên nên lựa chọn các vật liệu lọc dạng viên. Thứ tự của các loại vật liệu lọc không quá quan trọng. Nhưng nên ưu tiên các loại vật liệu lọc có diện tích bề mặt lớn, khó làm sạch lên các ngăn phía trên các loại khác.
    • Sau khi lắp vật liệu lọc đã được rửa sạch, đậy nắp thùng, khoá chốt thùng, mở khoá đường dẫn In-Out. Bạn tiến hành mồi nước. Thông thường, với bể cá đã được làm đầy nước, thao tác mồi nước khá đơn giản. Bạn chỉ cần nhấn nút mồi nước phía trên nắp thùng 4-5 lần, sau đó nghe tiếng nước chảy róc rách thì dừng lại, bạn đợi 5-7 phút cho nước chảy đầy thùng. Sau đó cắm điện vào là có thể chạy bình thường. Trong trường hợp mồi rồi vẫn không chảy ra nước hoặc nước yếu, hay đang sử dụng tự nhiên nước bị yếu, đây là hiện tượng người chơi hay gọi là bị E (Air), phần động cơ bơm như cái bát úp ngược, chứa đầy không khí, cánh quạt không quạt vào nước nên không đẩy được nước lên tiếp. Bạn có thể để thùng lọc nằm nghiêng 7-10 phút, sau đó dựng đứng lại là lại chạy bình thường. Có rất nhiều video chia sẻ về cách xử lý E (air) trên youtube để người chơi tham khảo.
    • Bộ lọc nên được vệ sinh định kỳ. Tuỳ vào loại hình chơi, loại cá và số lượng cá mà người chơi có chế độ bảo trì bộ lọc phù hợp. Càng nuôi nhiều, cho ăn nhiều càng cần vệ sinh bộ lọc nhiều hơn. Việc vệ sinh rất đơn giản. Khoá van ống nước In-Out, mở chốt giữ ống, rồi bê nguyên thùng lọc vô nhà vệ sinh để tiến hành thau rửa. Với những đợt bảo trì nhỏ, bạn chỉ cần xịt nước qua các vật liệu lọc dạng viên, giặt bông lọc hoặc thay nếu quá nát, rồi lắp lại và sử dụng như bình thường.
    • Lưu ý ngắt điện thiết bị trước khi xử lý sự cố, vệ sinh bảo trì, hoặc tiến hành bất cứ thao tác dưới nước nào.

     

    Chúc bạn có những hồ thủy sinh thật đẹp!

     

    Cre: ThaiHoaAquarium

     

    Một số sản phẩm lọc thùng chính hãng do bên shop mình bán:      

    Instagram Youtube Shopee Shopee

    Giỏ hàng của bạn (0 sản phẩm)