ĐỪNG CHỦ QUAN VỚI NỒNG ĐỘ NITRATE
Ngày đăng: 03/07/2023 07:05 PM

    Mặc dù không màu và không mùi, Nitrate có thể gây nên cái chết cho các cá thể nuôi trong bể bất cứ lúc nào. Rất may là chúng ta vẫn có những cách để kiểm soát nồng độ Nitrate trong nước bể cá ở mức chấp nhận được. 


    Cho dù là người chơi cá dày dặn hay những người mới tập chơi, nitrate thực sự là một kiến thức cơ bản cần phải biết để giảm thiểu rủi ro trong quá trình chơi cá. 

     

    Trước tiên, Nitrate là gì? 

     

    Amoniac là chất thải chủ yếu trong bể kính. Nó được thải ra theo phân cá hoặc do phân huỷ thức ăn thừa, xác chết động thực vật trong bể. Các loại vi khuẩn có lợi trong hồ chuyển hoá Amoniac thành Nitrit rồi Nitrate. So với Amoniac và Nitrit, Nitrate ít độc hại hơn, tuyn hiên, Nitrate tích luỹ lâu cũng sẽ gây ảnh hưởng tới cá của bạn. 


    Do Nitrate không màu và không mùi, bạn không thể phát hiện nồng độ trực quan. Đối với một bể đã đi vào ổn định, việc xuất hiện tảo là báo hiệu nồng độ Nitrate cao. Với những bể mới setup, tảo có thể xuất hiện ngay cả nồng độ Nitrate dưới 10ppm. 

     

    Đo nồng độ Nitrate trong bể cá

     

    Bạn có thể kiểm tra nồng độ Nitrate trong bể bằng các bộ dụng cụ đo nồng độ Nitrate (NO3-) có bán sẵn ở các cửa hàng cá cảnh. Thực hiện các hướng dẫn trong bộ kiểm tra để xác định nồng độ của Nitrate (NO3-) bằng cách thử màu. Mặc dù rất nhiều người nuôi cá sống với mức độ Nitrate rất cao, bạn vẫn chỉ nên duy trì mức Nitrate từ 5ppm tới 10ppm. Mức từ 20ppm tới 50ppm là quá cao. Đối với cá nước ngọt có thể cao hơn một chút, còn đối với cá cảnh biển và san hô, bạn cần duy trì mức Nitrate gần như bằng không. 


    Nhiều loại cá cảnh có thể không có biểu hiện gì khi Nitrate đạt tới 100ppm hoặc thậm chí cao hơn, nhưng nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, tiếp xúc lâu với nồng độ Nitrate cao sẽ làm cá dễ bị nhiễm nấm bệnh, cá phát triển chậm hơn và ảnh hưởng tới sự sinh sản của cá. 


    Khi nồng độ Nitrate tăng lên tới mức hoàn toàn không thể chấp nhận được, cá sẽ lờ đờ hơn và xuất hiện các vết lở loét trên thân. Nhiều khi bạn thả cá mới vào hồ, cá dễ dàng bị sốc Nitrate và có thể chết đột tử, tuy nhiên những con cá cùng loại trong bể vẫn sống do được làm quen từ từ với nồng độ Nitrate. 

     

    Những yếu tố góp phần làm tăng nồng độ Nitrate

     

    Kinh nghiệm làm bể cá thủy sinh, các mẫu bể cá thủy sinh đẹp

     

    Cho ăn quá nhiều là nguyên nhân hàng đầu trong việc tăng cao nồng độ Nitrate. Cho cá ăn quá nhiều tạo ra một lượng chất thải lớn, đồng thời lượng thức ăn thừa trong bể phân huỷ cũng tạo ra một lượng lớn chất độc hại. 


    Thả quá nhiều cá cũng gây nên nồng độ nitrate cao, đây là vấn đề của hầu hết các bể nuôi cá với mật độ quá lớn. 
    Có một quy tắc rất đơn giản để xác định lượng cá bạn định nuôi trong bể của bạn, đó là tính lượng cá bạn nghĩ bạn có thể nuôi trong bể cá của mình, sau đó bạn chỉ việc bớt đi một nửa số lượng cá đó là được. 
    Tuy nhiên nếu gặp tình huống bất khả kháng, bạn nên loại bỏ bớt một số cá thể khác hoặc mua một bể cá mới to hơn. 


    Bộ lọc bẩn. Làm sạch bộ lọc thường xuyên là cách hiệu quả để loại bỏ các chất thải ra khỏi toàn bộ hệ thống. Các loại vật liệu lọc ngoài trú ẩn vi sinh còn là cái bẫy các loại chất thải, chúng chỉ khuất tầm mắt bạn chứ chưa hề được loại bỏ ra khỏi toàn bộ hệ thống. 


    Phân huỷ động thực vật. Các loại cây thuỷ sinh có khả năng như một bộ lọc sinh học tự nhiên, làm giảm nồng độ Nitrate. Tuy nhiên, các lá cây già cỗi, hoặc động vật chết phân huỷ sẽ tạo ra một nồng độ Nitrate đáng kể nếu bạn không lấy chúng ra khỏi bể cá. 

     

    Xử lý khi hồ có nồng độ Nitrate quá cao

     

    Có nhiều công cụ và bộ lọc làm giảm nồng độ Nitrate trong bể cá. Có một phương pháp rất đơn giản và hiệu quả là thay nước. Khi bạn thay nước, lượng Nitrate chứa trong nước sẽ bị loại bỏ theo. Vì vậy, thay đổi 50% nước, bạn sẽ làm giảm 50% nồng độ Nitrate trong bể cá. 
    Nói như vậy không có nghĩa là bạn ngay lập tức thay toàn bộ nước bể để loại bỏ toàn bộ Nitrate trong nước. Quá trình này cần có thời gian, khi hồ đang ở mức báo động về Nitrate, bạn hãy thay mỗi ngày một lượng nước nhỏ, đảm bảo để các loại cá trong hồ không bị sốc vì thay đổi môi trường đột ngột. Khi nước hồ đã đạt tới mức từ 5-10ppm, hãy thiết lập phương thức bảo trì để đảm bảo sự ổn định trong mức đó. 

     

    Chu trình Ni-tơ trong hồ thủy sinh được hiểu như thế nào?

     

    Phòng ngừa Nitrate cao trong bể cá

     

    Để ngăn chặn việc nồng độ Nitrate quá cao trong môi trường nước, bạn cần thực hiện thay nước và bảo trì định kỳ. Nếu bạn bỏ qua việc này, nồng độ Nitrate trong bể sẽ tăng cao và gây nguy hiểm cho cá. 


    Bảo trì hàng ngày 
    Có một việc vừa tiết kiệm vừa tốt. Đó là cho cá ăn một lượng vừa đủ, hãy chắc chắn rằng bạn cho cá ăn một lượng thức ăn vừa đủ để cá ăn trong vòng dưới 2 phút. Thay vì cho cá ăn một lần với 1 lượng lớn thức ăn, hãy cho cá ăn một lượng nhỏ trong 2 hoặc 3 lần. 
    Không nuôi quá nhiều cá trong một hệ sinh thái nhỏ, điều này sẽ khiến Nitrate trong hồ lên rất cao. 
    Thực hiện kiểm tra nhanh mỗi ngày, loại bỏ các nguồn hữu cơ phân huỷ như thức ăn thừa, lá cây, xác cá, côn trùng…


    Bảo trì hàng tuần 
    Thường xuyên thay nước đem lại lợi ích vô cùng to lớn trong việc nuôi cá cảnh. Cố gắng thay nước bể cá hàng tuần, nhiều hơn thì càng tốt. Việc này sẽ giúp loại bỏ Nitrate ra khỏi bể và pha loãng lượng Nitrate còn lưu lại trong bể cá. 
    Đối với bể cá biển, việc thay một lượng nước thường xuyên là điều khó khăn hơn, do đó bạn cần nuôi một lượng cá vừa phải. 1 phần lượng chất thải hữu cơ cũng được hấp thụ bởi san hô và đá sống trong bể. 
    Kiểm tra bộ lọc thường xuyên, giặt hoặc thay tấm bông, tất lọc. Có thể làm sạch các ngăn chứa vật liệu lọc một cách lần lượt, ví dụ, tuần này vệ sinh ngăn đầu, tuần sau vệ sinh ngăn thứ 2, tuần sau nữa vệ sinh ngăn thứ 3…

     

    Chúc bạn có những chú cá thật khỏe mạnh!

     

    Cre: ThaiHoaAquarium

     

    Sản phẩm Prime KHỬ ĐỘC TỐ hồ cá chính hãng từ nhà Seachem :    

    Instagram Youtube Shopee Shopee

    Giỏ hàng của bạn (0 sản phẩm)